***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
3h00 chiều thứ Bảy, 02/07/2016
Địa điểm
Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h30: Xem phim
16h30 - 17h00: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / Heritage Space / Cà phê thứ bảy
//////////////////////////
Các bạn thân mến,
Để tiếp tục nói tới trào lưu "Kiến trúc hiện đại", chiều 02/72016, CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ giới thiệu tới các bạn một nữ kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ nội thất: Eileen Gray (1878-1976). Việc lựa chọn nhân vật nữ kiến trúc sư cho buổi chiếu sắp tới sẽ cho chúng ta một nhìn nhận "mở" hơn về nghề nghiệp luôn được coi như thống trị bởi nam giới này.
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", câu nói đầy biểu tượng muốn giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vấn đề xây dựng nói riêng và những công việc nặng nhọc nói chung luôn dành cho nam giới. Nghề kiến trúc từ trước đến nay vẫn được coi là một nghề vất vả. Hơn nữa đây cũng là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo cao, mà "ngầm định" từ lâu trong tiềm thức con người, ngành sáng tạo không phải cho phụ nữ. Vì vậy, việc chấp nhận để họ đến trường, đặc biệt được học các ngành sáng tạo là rất muộn. Ví dụ như ngay cả ở châu Âu, nơi phụ nữ được đi học sớm nhất, cũng phải tới năm 1890 Julia Morgan mới là người đầu tiên được chấp nhận vào học kiến trúc tại Học viện Beaux-arts Paris, mặc dù nam giới ở đây đã mang danh kiến trúc sư từ thời Phục Hưng (thế kỷ 15).
Thế kỷ 20 đã mang đến cho phụ nữ rất nhiều giải phóng, họ dần khẳng định được khả năng và vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên trong ngành kiến trúc, số lượng văn phòng được điều hành bởi các nữ kiến trúc sư vẫn chiếm tỷ lệ rất ít. Và mãi đến năm 2004, Zaha Hadid mới là nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận giải "Nobel về kiến trúc" Pritzker. Điều đáng nói ở đây là, sau hơn một thế kỷ, những đóng góp của các nữ kiến trúc sư cho nghề nghiệp khiến chúng ta phải có những nhìn nhận sâu sắc hơn. Họ không phải tạo ra một "trường phái" riêng, mà chính nhờ vào sự "nhậy cảm" khác giới đó đã tạo ra những giá trị "tâm lý" khác. Chúng ta sống trong một xã hội của "nam và nữ", cần phải có sự chia sẻ sáng kiến của cả hai phía mới tạo nên được một tổng thể hài hoà và đầy đủ hơn.
Eileen Gray là một ví dụ điển hình cho chúng ta thấy được sự nhậy cảm của phái nữ trong sáng tác. Bà sinh ngày 9/8/1878 ở thành phố Enniscorthy, đất nước Ireland, trong một gia đình quý tộc truyền thống. Năm 1901, bà được đi học hội hoạ tại trường Slade School of Fine Art ở London, nhưng một năm sau đó bà chuyển đến học tại Viện nghệ thuật Académie Julian tại Paris. Ở Paris, bà đã khám phá ra phong trào Hiện đại ở đây, nơi hội tụ rất nhiều tinh hoa thế giới. Bà đã quyết định ở lại đây cho đến cuối đời. Như chúng ta đã biết, Le Corbusier cũng đã rời bỏ Thuỵ Sĩ để sang Paris đầu thế kỷ 20, và cũng nhờ đó mà thành công trong sự nghiệp. Nhưng việc sống trong một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy sáng tạo là một chuyện, ở Paris lúc đó Eileen Gray còn tìm thấy được sự tự do cá nhân mà bà đã không ngần ngại tuyên bố việc "song tính luyến ái" (bisexuel) của mình. Cái rất khó được chấp nhận trong một gia đình quý tộc truyền thống tại Ireland. Muốn có được sự tự do trong sáng tác, trước tiên phải có được sự tự do về "con người"!
Cũng như Le Corbusier, Eileen Gray tự học kiến trúc. Nhưng trước tiên người ta biết tới bà như một nhà thiết kế đồ nội thất. Ở Paris, bà làm quen với nghệ nhân sơn mài người Nhật Bản Seizo Sugawara, và đã cùng làm việc cùng ông hơn 20 năm. Bà đã sử dụng kỹ nghệ truyền thống để sáng tác các đồ vật. Học thức về hội hoạ đã giúp bà rất nhiều trong việc tìm kiếm màu sắc cũng như thể hiện các hoạ tiết trang trí. Nhưng điều thành công nhất là bà vẫn giữ được tính "thần bí" của sơn mài, một tính cách riêng của châu Á, khi thiết kế những đồ vật hoàn toàn hiện đại. Ngoài ra, Eileen Gray cũng thiết kế đồ nội thất từ những ống thép kết hợp với nệm da. Những đồ vật mà bà thiết kế luôn đơn giản và thanh lịch về kiểu dáng nhưng cũng rất tinh xảo về chi tiết. Năm 2009, chiếc ghế "Snake Armchair" (Fauteil aux dragons - theo tiếng Pháp) do bà thiết kế khoảng năm 1917-19 đạt kỷ lục bán đấu giá với 21,9 triệu euro, trở thành chiếc ghế đắt nhất trong lịch sử.
Eileen Gray đến với kiến trúc khoảng năm 1924 khi gặp người tình của bà, kiến trúc sư Jean Badovici (gốc Rumani). Ông là nhà phê bình lý luận và chủ biên tạp chí kiến trúc hiện đại "L'Architecture vivante" ở Pháp. Eileen Gray thiết kế rất nhiều nhưng chỉ có ba công trình được xây dựng. Tuy ít nhưng các công trình của bà đều trở thành biểu tượng của kiến trúc hiện đại. Đặc biệt là ngôi nhà E-1027 mà bà thiết kế cho chính Jean Badovici. Tên của ngôi nhà là một kiểu chơi chữ, E là Eileen, 10 là số thứ tự của chữ J (Jean) trong bảng chữ cái, 2 là B (Badovici) và 7 là G (Gray). E-1027 được thiết kế năm 1926 và hoàn thiện năm 1929. Như chúng ta đã biết, trong những năm 1920 này, Le Corbusier cũng đang nghiên cứu kiến trúc hiện đại khi xây dựng một số ngôi nhà. Nhưng Eileen Gray không chỉ thiết kế kiến trúc mà còn thiết kế toàn bộ nội thất cho E-1027. Vì thế nó trở nên gần gũi "con người" hơn với sự truyền cảm nữ tính của bà, không như "cỗ máy để ở" mà Le Corbusier đang tìm kiếm.
Không nổi danh như các nam kiến trúc sư hiện đại đương thời, Eileen Gray là người rất khiêm tốn. Thực ra, bà không đi tìm sự nổi tiếng mà chỉ sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo. Rất may gần đây các nhà viết sử và nhà làm phim đã giới thiệu những tác phẩm của bà đến với công chúng rộng rãi. Cuốn phim mà chúng ta sẽ xem tới đây nằm trong số đó. "Eileen Gray - Lời mời viễn du" (Eileen Gray - Invitation to a voyage) được thực hiện bởi đạo diễn Jörg Bundschuh. Cuốn phim cho người xem nhiều dữ liệu quý giá, từ lúc bà còn nhỏ tại Ireland đến khi tới làm việc tại Paris. Chúng ta sẽ tham quan ngôi nhà E-1027 sau mấy lần đổi chủ đã bị bỏ hoang nhiều năm (năm 2000 được liệt vào di sản kiến trúc và mới được tu sửa gần đây). Đạo diễn Jörg Bundschuh rất tinh tế khi dùng lại câu "Lời mời viễn du" để đặt tên cho cuốn phim của mình. Đây là một trong những câu mà Eileen Gray viết ở ngôi nhà E-1027, và cũng chính là tựa đề của bài thơ "Lời mời viễn du" (L'invitation au voyage) của nhà thơ nổi tiếng người Pháp Charles Baudelaire. Thơ của Baudelaire luôn nói tới cả thể xác lẫn tinh thần mà Jörg Bundschuh muốn ví cho công việc của Eileen Gray. Bà không chỉ muốn thiết kế ra những đồ vật sử dụng vô tri vô giác mà còn muốn tạo cho chúng một tâm hồn. Có lẽ đây mới là công việc khó khăn nhất của những người làm sáng tạo!